NGƠ NGÁC GIỮA ĐỜI!

  • Chiều rảnh không? – Đang cặm cụi với công việc, tôi nhận được tin nhắn từ thầy.
  • Ui, phải 8h tối em mới xong việc. Nay thầy rảnh thế? – Tôi nhắn lại.
  • Đại gia về thời gian. – Tôi nhận tin nhắn như vậy.

Và lần ấy, tôi có cơ hội trà dư tửu hậu để nghe, cảm một người gác lại mũ mấn áo quan trở về làm một người bình thường, một người đang ở vị trí thét ra lửa, nhà nườm nượp khách tới, họ không nhờ việc này thì cũng có sự nọ để từ người lạ lắm cũng thành quen và giờ thì thành ngõ vắng xơ xác. Cửa nhà vẫn thế, đường vào nhà vẫn vậy, nhưng chỉ còn hai con người và cả con người thứ hai cùng đi qua gian khó ấy cũng bỗng buông nhiều câu như thế từng nhát dao cứa cắt vào da thịt trong khi người còn lại vẫn đang như bước hụt một chân để trở về với đời thường.

Rồi lần gần đây, tôi đu theo chị bạn vong niên đi mua sắm, thực tình là không có dự định, nhưng nữ mà, nhảy vào một cửa hàng thời trang thì mọi thứ chuyển sang cảm xúc, lý trí bay biến và khi thấy tôi xinh tươi trong những trang phục ấy, chị ghé tai bảo:

  • – Em còn trẻ điệu đi, như tụi chị giờ mua thì mua vậy chứ ngày mai đột quỵ chẳng biết mặc đi đâu.

Còn tôi nghe chị nói xong vừa phì cười vừa thấy ngơ ngác. Đời người là thế thôi sao?!

Lần khác tôi ghé chơi nhà người quen dịp cận tết, vừa thấy anh tôi trêu:

  • – May quá nay anh rảnh tiếp em, chứ sợ anh bận tiếp khách.
  • – Giờ nghỉ hưu rồi ai đến. – Anh cười và nói vậy.

Do tính chất công việc, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người lớn hơn tôi một số tuổi đáng kể và nghe các anh chị trải lòng, có khi những câu nói rất nhẹ nhưng nó như thể mũi kim sắc bén đủ luồn qua da thịt làm tim tôi rỉ máu:

  • – Khi ngồi một mình vẫn thấy khóe mắt cay cay.

Mỗi người khi rời nhiệm sở, và chính thức gia nhập vào nhóm gọi là “nghỉ hưu” sẽ có những khoảng lặng của chính mình. Một người bình thường lo lắng tuổi già, bệnh tật sẽ đến, một người giữ chức vụ cao lại có những trải nghiệm cảm xúc mà đôi khi người ta đi giữa dòng người thấy thật ngơ ngác và chao chác. Có lẽ rằng trong các mối quan hệ đã qua, trong suốt hành trình cống hiến các anh chị bận bịu với các mối quan hệ ấy, nó kéo các anh chị trôi tuột trong sự bận rộn để một ngày, có một thứ mang tên thời gian mới thực sự đủ sức phơi bày chân thực cái được gọi là con người, cái được gọi là xã giao, và họ thấy mình cô đơn giữa dòng người đã từng tiếp, phải chăng những người đến thời điểm đó chỉ như lữ khách đang khai thác tận diệt mối quan hệ. Hoặc đơn giản chỉ là cơm áo gạo tiền nên phải thực hiện cho tốt công việc đó. Ai trong số đó là người tri âm?! Ngồi với nhau chốc nhát, mời nhau tách trà, ly rượu, đãi nhau món ngon, đặc sản, trao nhau món quà kỳ công tìm mua, gấp gáp tiếp đón vì lịch làm việc, khách khứa nhiều, nhận lời và cảm ơn, nhưng ai chia sẻ những vui buồn, ai lo lắng nếu bất ngờ những sự việc không hay xảy đến, những con người cứ lũ lượt, hờ hững đi ngang qua đã khiến họ ngơ ngác và thấm hơn câu “nhân tình thế thái”.

Ngày trước, tôi cứ nghĩ mình bất hạnh khi ngoài tuổi phải đương đầu với quá nhiều thứ trong đó có tình thân, và kém may mắn nhưng nhiều người ở tuổi 60, họ thấy mình cô đơn, lạc lõng, họ ngơ ngác giữa dòng đời, cười nói đấy rồi thui thủi một mình trong không gian không thiếu gì về vật chất, nơi để họ đối diện với chính mình. Ít ai cảm thấy điều đó và trong suy nghĩ chung của mọi người cứ phải ở quê ra tỉnh kiểu như tụi tôi ngày đó vào Sài Gòn thì mới gọi là ngơ ngác giữa đời, nhưng sống giữa môi trường nhộn nhịp nói cười để rồi sau lưng người ta đã mài sẵn một con dao hay luôn găm găm một thứ vũ khí sắc bén nào đó để khi quay đi có thể trúng thương, hay đơn giản đó là sự thờ ơ lãnh đạm trước một người đã từng giúp mình, hỗ trợ mình hoặc họ từng cống hiến hết mình vì sự phát triển chung của một cộng đồng, tập thể thì sự ngơ ngác nào đáng sợ hơn.

NNN

    Leave Your Comment

    Your email address will not be published.*