Sự phát triển của công nghệ đã góp phần to lớn vào cuộc sống, công việc của cả thế giới loài người. Một trong những thiết bị đại diện cho sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta chính là điện thoại. Việc sử dụng điện thoại thông minh (hay tiếng Anh là smart phone) để liên lạc, truy cập mạng đã không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, sản phẩm nào cũng có những mặt tích cực và mặt trái của vấn đề. Ngoài những gì công nghệ đã mang lại thì ở một góc hẹp nào đó công nghệ đang làm xa dần những mối quan hệ. Vậy nên cân bằng công nghệ và các mối quan hệ như thế nào?

Những mặt tích cực công nghệ đã mang lại

Phải công nhận, thời kỳ công nghệ đã mở ra những kỷ nguyên mới cho thế giới loài người với nhiều bước tiến vượt bậc. Nói trong phạm vi nhỏ là sử dụng điện thoại di động. Đã 26 năm kể từ khi Việt Nam có mạng điện thoại di động đầu tiên thì rào cản trong việc liên lạc giữa những người sống xa nhau dần rút ngắn. Cho tới hiện nay với sự hỗ trợ của các ứng dụng Zalo, Viber, Skype, Facebook, Whatsapp… chuyện liên lạc người sống ở bên kia bán cầu và bên này bán cầu đã không còn khoảng cách.

Ngoài việc con người sử dụng thiết bị công nghệ để liên lạc, kết nối giữa những người ở xa, tìm kiếm thông tin giải trí thì điện thoại thông minh còn giúp không ít người xử lý công việc ngay khi đang di chuyển. Dù là người không làm công việc liên quan tới máy móc, công nghệ thì chí ít cũng có được khoảng thời gian chờ đợi hay nghỉ ngơi bổ ích. Đơn giản như việc tranh thủ truy cập mạng để cập nhật thông tin mới nhất trong thời gian chờ đón con, đợi người yêu, uống cà phê... Hay đơn giản nhất là việc chúng ta di chuyển bất cứ nơi nào cũng không cần phải dừng lại hỏi đường hoặc mở tấm bản đồ giấy ra coi như trước đây. Tất cả mọi luồng thông tin đã được gói gọn chỉ trong một thiết bị gọi là điện thoại thông minh. Một thiết bị tiêu biếu cho sự phát triển vượt bậc của công nghệ.



Công nghệ và các mối quan hệ nên cân bằng thế nào?

Trước những gì công nghệ đã mang lại cho cuộc sống nhà nhà, người người hễ mua điện thoại là sắm smart phone. Chuyện này là hiển nhiên. Điều đáng nói tới ở đây chính là cách sử dụng công nghệ. Khi chưa có điện thoại, hẳn không ít lần chúng ta nghe được chuyện chị nhà hàng xóm gọi chồng về ăn cơm. Hay đứa con gọi mẹ mở cửa lúc đi học về vân vân và vân vân. Nhờ smart phone chúng ta đã giảm được những âm thanh ồn ào của nhà hàng xóm hay chí ít bản thân chúng ta cũng không làm phiền nhà hàng xóm mà chỉ cần nhấc điện thoại lên, gọi. Thế là xong. Tìm chính xác. Đúng chủ nhân.

Bên cạnh những mặt tích cực thì một thực tế đang diễn ra tại không ít gia đình, nơi công sở, những quán cà phê chính là mỗi người một chiếc điện thoại thông minh, bấm bấm, cười cười. Thậm chí trong bữa cơm gia đình vẫn vừa ăn vừa kiểm tra điện thoại. Chuyện này hiện đang diễn ra trong mỗi gia đình. Theo thông tin của Apota công bố về hành vi sử dụng điện thoại của người Việt thì có tới 89% lượng người dùng điện thoại di động để truy cập mạng xã hội và trung bình trong một tuần là 78%. Lượng thời gian trung bình người Việt sử dụng mạng xã hội trung bình một ngày là 2h và 23 phút.

Dựa trên những con số trên cho thấy một người bình thường có 8 tiếng làm việc, 8 tiếng ngủ, chưa tính thời gian di chuyển tới cơ quan và đưa đón con, đi chợ, nấu cơm, thì phần lớn thời gian còn lại chúng ta dùng điện thoại di động. Câu chuyện đáng bàn tới ở đây là vậy còn thời gian để giao tiếp trực tiếp của chúng ta là bao nhiêu? Tương tác trực tiếp giữa con người với con người đang nằm ở ngưỡng nào, những câu chuyện trong gia đình đang bị công nghệ “rút gọn” tới đâu?



Thực tế điện thoại thông minh hay bất cứ thiết bị công nghệ thông minh nào cũng không có tội mà quan trọng nằm ở phía người sử dụng. Biết cách tiết chế, có thời gian sử dụng rõ ràng. Một gia đình bình thường cũng cần một bữa cơm có những câu chuyện hỏi han nhau sau một ngày học tập, làm việc vất vả. Những người bạn lôi nhau ra quán cà phê cũng cần dành thời gian để hàn huyên, tâm sự. Những người hàng xóm cũng nên dành chút thời gian chào hỏi lúc đợi xe đón đi làm hay đợi mở cửa.

Đứng trước sự phát triển của công nghệ hiện tại, chúng ta phải thật vui mừng trước những tiến bộ đó. Song để cân bằng giữa công nghệ và các mối quan hệ thì điều chúng ta cần làm là có lịch sử dụng điện thoại rõ ràng. Lúc nào nên sử dụng để xem tin tức, khi nào dành thời gian cho gia đình và các mối quan hệ đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng.

Trước kỷ nguyên công nghệ không thể nói không với điện thoại thông minh nhưng cũng không thể cổ xúy cho việc nghiện điện thoại mà lãng quên việc giao tiếp giữa con người với con người, giữa cha với con, giữa vợ với chồng, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp. Những mối quan hệ thuộc tính nhân văn không thứ công nghệ nào có thể thay thế nhưng sẽ rất dễ phai nhạt nếu tiếp tục sử dụng công nghệ như hiện nay.