MỘT

Ngọc đang ngồi làm việc thì cuộc gọi từ Thanh em con dì tới. Đương nhiên tôi giật mình vì giờ này gọi ắt có chuyện. Ngọc nghĩ vậy rồi bắt máy hỏi:

Vụ gì thế?

Chị chưa biết gì hả? Giọng Thanh khá hốt hoảng.

Có biết gì đâu nè. Nói đi. Ngọc hối thúc

Bá Lanh nhập viện nặng đó chị.

Thanh gọi bằng bá ruột thì Ngọc gọi bằng dì ruột. Vốn dĩ, các cháu sẽ không phải lo lắng nhiều nếu dì Lanh có gia đình. Vậy nên chuyện sức khỏe của dì có vấn đề, tất nhiên các cháu như Thanh, Ngọc phải có trách nhiệm vì bố mẹ của Thanh, Ngọc  - anh, chị, em của dì đã già, có người đã khuất.

 

Nếu nói về nhan sắc, dì Lanh không xấu, thậm chí trong mắt Ngọc dì xinh, da trắng. Chỉ có điều nghe mẹ Ngọc kể hồi nhỏ dì bị trúng gió nên từ đó sức khỏe không tốt và một chân yếu đi cộng với suy nghĩ thời đó, dì Lanh lên chùa ở. Theo Ngọc đoán thời đó dì nghĩ sẽ nương tựa cửa chùa. Nhưng dì chọn ở chùa hết thời thanh xuân cho tới khi ngấp nghé tuổi già, dì rời chùa về sống trên mảnh đất của ông bà ngoại. Vậy nên phần lớn các cháu trong đó có Thanh, Ngọc ít gần dì, cũng có thể do Ngọc lớn lên xa nhà biền biệt thì càng xa. Tất nhiên vấn đề sắp xếp người chăm sóc dì lúc nằm giường bệnh và sau khi ra viện là điều cực quan trọng. Ngọc cũng lường trước được tình huống của dì Ngọc thì tỷ lệ cao sẽ bình luận rằng:

-          Có con, có gia đình thì đâu phải lo lắng lúc này.

Sau khi hỏi thăm một vòng, Ngọc nắm được tình hình cụ thể của dì. Hiện các anh chị ở ngoài Bắc đã lên lịch được với nhau, những đứa cháu ở xa như Ngọc, Thanh chỉ nằm trong nhóm “hỏi thăm vọng”.

Khi Ngọc liên lạc với mẹ, bà bảo:

Đấy không gia đình thì như dì mày.

Ngọc cười bảo:

Ơ có mấy chục đứa cháu dâu, rể, gái trai lo mà. Có sao đâu.

Cú ngã của dì không biết có thôi thúc Ngọccần một gia đình nhưng kể từ ngày ra viện Ngọcđã có kế hoạch cho bản thân nếu sau này sống như dì. Thấp thoáng đâu đó trong suy nghĩ của Ngọc là cái viện dưỡng lão thật xinh với những người bạn cùng thời.

HAI



Chuyện chăm người ốm phần lớn là nữ. Vốn dĩ như vậy bởi nữ kiên nhẫn hơn, chịu thương chịu khó hơn (ấy là mọi người thường nghĩ thế). Đặc biệt người ốm là nữ thì người đi chăm chắc chắn cũng là nữ. Nhưng chuyện nhà Ngọc có phần ngược lại. Dì Lanh nằm viện, người đi chăm dì là anh Thắng - anh trai ruột của Ngọc và anh Công - anh con bác. Hai anh thay nhau săn sóc dì tới mức cả bệnh viện ngạc nhiên. Xét về đặc thù công việc thì anh Thắng tôi bận bịu hơn anh Công. Thế nên anh Công chủ động bảo:

Chú cứ về lo việc của chú. Anh ở viện chăm dì cho chứ hai thằng cùng ở đây, tiền đâu mà lo viện phí. Công việc của anh gác lại được. Dì ra viện anh về cày đêm.

Không nói xấu dì, nhưng chăm được dì là cả vấn đề. Ngọc ở trong miền Nam gọi ra, vốn dì cũng thương Ngọc lắm, thế mà Ngọc vừa lên tiếng dì quạu:

Để tao uống thuốc chuột chết cho rồi.

Anh Công bảo:

Cô thấy chưa. Mổ xong đau đòi chết. Cỡ mổ như cô ngày xưa không biết thế nào.

Chẳng là hơn 10 năm trước Ngọc từng trải qua trận thập tử nhất sinh, mổ tới bốn lần mới sống sót thế nên chuyện mổ Ngọc hiểu hơn ai hết. Nhưng tính dì Lanh thế nào, Ngọc cũng không
 lạ. Dì mà cất tiếng thì cách xa cả trăm mét vẫn còn nghe. Anh Công chêm vào.

Sáng nay mổ xong, cả phòng hồi sức náo loạn. Vừa ra khỏi phòng mổ gọi anh ầm ĩ lên.

 

Ngọc hiểu rằng, dì chỉ có một mình. Người có thể bấu víu duy nhất ở bệnh viện lúc đó chỉ có anh Công. Anh ăn, ngủ ở bệnh viện cũng gần tuần nay. Bao nhiêu công việc anh phải gác lại nhưng Ngọc gọi điện ra không vẫn cười khì:

Thằng em về cày tiềng, anh ở đây chăm dì có sao đâu.

Ngọc cười:

Haha.

Rồi anh chêm vào:

Mẹ anh ốm anh có chăm ngày nào. Thế mà giờ chăm dì hơn chăm mẹ.

Anh nói như thể để vỗ về sự cô đơn, như thể để dì hiểu rằng chúng cháu coi dì như mẹ.

Ngọc dù không thể về nhưng trong lòng cô nhẹ bâng vì nơi ấy, dì vẫn được hai anh, một là trai, một anh con bác và một là anh trai ruột Ngọc lo hết thảy.

BA



Ông bà ngoại Ngọc sinh được 6 người con. 5 gái, 1 trai. Hai bác gái và dì út Ngọc - mẹ Thanh đã mất. Chỉ còn lại 3 người. Tính về thứ bậc còn sống, mẹ Ngọc giờ là lớn nhất, tới cậu Thìn rồi tới dì. Nói về phần trách nhiệm như phong tục quê Ngọc, con gái đi lấy chồng chỉ chuyên tâm chuyện nhà chồng. Trách nhiệm với bên ngoại cũng nhẹ bớt. Thế nên chuyện dì Ngọc nằm viện, trách nhiệm thuộc về cậu Thìn. Nhưng xét về kinh tế, nhà cậu lại eo hẹp hơn.

Ngay khi lo cho dì nằm viện cũng là thời điểm các anh trai Ngọc tính chuyện sau ca mổ. Căn nhà dì Lanh ở so với hoàn cảnh neo đơn ở quê thì chấp nhận được nhưng chỉ phù hợp cho một người ở chứ giờ dì ốm vậy cần người săn sóc thì không gian ấy không đảm bảo. Tối khi nghe dì nhập viện, Ngọc gọi cho mẹ. Bà đã ôn tồn:

Nao dì mày về. Mẹ đón về nhà mình chăm. Khi nào dì khỏe mẹ mới cho về.

Trong giọng nói của bà đầy ắp tình thương. Ngay khi dì nằm viện mẹ Ngọc đã tức tốc bảo chị Hương - chị gái Ngọc chở sang nhà cậu – em mẹ để báo cậu sau khi dì ra viện sẽ đón về nhà Ngọc chăm. Ở quê Ngọc vẫn còn phân biệt nội ngoại. Vậy nên việc đón dì về nhà Ngọc chắc chắn phải sang nói với cậu.

Mẹ Ngọc – lấy chồng từ năm 19 tuổi, bà sinh 9 người con. Vậy nên hơn hai mươi năm ròng bà vừa bận bịu làm lụng vừa sinh con, đẻ cái. Ngọc - con út chưa kịp lớn mẹ cô đã có cháu ngoại, Ngọc lên chức dì. Cứ thế từ chuyện chăm 9 người con, mẹ tôi bận bịu chăm cháu nội, cháu ngoại. Chăm cho tới tận bây giờ vẫn chưa thảnh thơi. Trong lòng Ngọc dấy lên tình cảm khó tả nhưng đó là niềm tự hào mẹ - không học cao hiểu rộng, nhưng tình thương của mẹ trải dài mênh mông mà ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi thảnh thơi, mẹ vẫn sẵn sàng làm tất cả. 


Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Non ./.