MỘT
Cô ơi, ở gần nhà mình sắp có nhà hàng, bể bơi cô nhé. Đó là thông tin tôi nhận được trong những cuộc điện thoại với người thân ở quê hương. Tất nhiên bọn trẻ nhỏ kể thì tôi không thể hỏi chúng lý do tại sao. Thế rồi đứa cháu lớn của tôi xen vào:
Ơ dì, sắp có cả khu du lịch nữa ấy.
Nghe tới đây tôi chột dạ quê tôi đặc sản là lúa, chẳng gần biển có mà du lịch nên hỏi:
Hơ hơ, du lịch sinh thái hở.
Đúng rồi. Cháu tôi đáp.
Tới đây tôi hiểu, công nghiệp hóa sẽ là một vòng tròn nhiều thứ dịch vụ mới mọc lên, thế nên dẹp bớt mấy mảnh ruộng thành khu du lịch mấy hồi. Thời gian gần đây, tôi về quê nhiều hơn và lang thang ngắm quê mỗi khi có dịp, thấy rằng khá nhiều mảnh ruộng bị bỏ hoang, người nông dân không còn thiết tha với cây lúa, không còn thích cảnh chân lấm tay bùn. Khi tôi hỏi, cấy lúa sẽ không phải đi đong gạo cũng đỡ chứ ạ?! Một chị đang hái rau ở bờ ruộng bảo:
Em ơi, cấy lúa giờ được bao nhiêu. Đi làm công ty một tháng bằng cấy lúa cả năm.
Không thiết tha cũng có lí do cả bởi một sào ruộng ở quê tôi có 360m2. Một vụ lúa thu hoạch gọi là được mùa tầm 250kg thóc. Trong số này bao gồm đủ các khoản chi từ phân bón, thuốc trừ sâu, công cấy, cày. Mỗi người dân cũng chỉ được có nhiêu đó diện tích trồng lúa. Cả năm cấy được hai vụ thu được 5 tạ thóc thêm vụ đông chắc cũng tầm đấy. Với mức sống hiện nay thu nhập đó người nông dân sống kiểu gì?!
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất với đồng lúa thẳng cánh cò bay, những mùa lúa chín vàng trĩu hạt, giọng hát chèo của mẹ thật ngọt ngào đưa tôi vào giấc ngủ, cho tôi lớn lên và đi xa nhưng những cánh đồng lúa trên quê tôi đang dần hẹp bớt và cũng bị ngắt quãng khá nhiều. Có nơi giữa đồng lúa người ta xây dựng khu công nghiệp với sức làm việc của hơn 10 nghìn công nhân. Có địa điểm chuyển đổi mục đích sử dụng thành nhà hàng tiệc cưới khang trang. Thu nhập và cuộc sống người dân đổi khác nhiều và nhà tôi cũng sắp thành trung tâm khi nhà hàng tiệc cưới nằm cách hơn 100m.
Nhà tôi cũng sắp trở thành trung tâm của phố thị mất rồi.
HAI
Đấy con nhà đó nghiện rồi. Khi tôi rời bàn làm việc và ra ngoài cửa cho thoải mái một chút thì nghe được như vậy. Tôi cũng chẳng hỏi thêm vì mỗi lần về quê cũng nghe phong thanh vài tin như vậy. Trong suy nghĩ của tôi thì những tin tức thế này tôi không quan tâm.
Chị đang ngồi nói chuyện với mẹ tôi tiếp lời:
Cứ như nhà bà thì sướng thật. 9 người con mà ai cũng ngoan. Cô út thì quá giỏi giang.
Pha này thì tôi chen vào:
Em lại được khen đấy à?! Em có làm được gì cho bố mẹ em đâu. Toàn về ăn ké chứ có bao giờ đóng tiền ăn haha.
Chị cười bảo:
Ôi, đầy nhà mong có người con như cô đấy. Cô không biết, xã mình giờ đầy đứa hỏng. Đứa đang học hành mới 16.17 tuổi thì có bầu rồi bỏ học. Đứa thì bỏ học lười không lao động đi ăn cắp vặt. Đứa thì dính vào xì ke hút chích.
Nói rồi chị điểm danh vài cái tên làm dẫn chứng. Nghe tới đây mẹ tôi cười đầy tự hào dù cả cuộc đời lam lũ nhưng 9 người con đều trưởng thành, có cuộc sống riêng không phiền lụy tới bố mẹ. Còn tôi nghe xong thấy man mác buồn. Cũng là những đứa trẻ được sinh ra trên vùng quê lúa nhưng có lẽ thế hệ chúng tôi công nghiệp hóa chỉ mới ở giai đoạn đầu, cảnh đi học kèm cam kết học xong không về đi gặt hay tưới rau thì đừng mơ có tiền đóng học chính là nguồn động lực để chúng tôi phấn đấu và nỗ lực. Còn thế hệ nối tiếp sinh ra khi bố mẹ 7h sáng chấm công ở khu công nghiệp, 9 giờ tối tan ca và tất cả vì tương lai của con em nhưng rồi đầy đủ quá khiến các bạn suy non nớt chăng?! Tất nhiên ngoài những trường hợp tiêu cực, quê tôi cũng có nhiều bạn tích cực lắm. Mong rằng công nghiệp hóa như chất xúc tác để thế hệ nối tiếp coi đó là bàn đạp thuận lợi hơn cho những dứa trẻ ở nông thôn và tiến xa hơn trong tương lai.
BA
Chủ nhật tuần này 4 cái đám cưới. Mẹ tôi kể thế rồi lầm bầm tiếp:
Sao mà cứ thi nhau cưới chủ nhật.
Nghe tới đây tôi cười phá lên:
Thế giờ cưới trong tuần thì chỉ một gia đình đó đám cưới mẹ chịu không?!
Mẹ tôi cười:
Ừ, từ ngày người ta đi công ty thành ra cái gì cũng vào chủ nhật con ạ. Trừ có người chết nhỉ.
Nghe tới đây tôi hiểu tình trạng cứ mỗi cuối tuần mẹ tôi phải chạy xô đi ăn cỗ từ hiếu tới hỉ nên chắc mệt. Thời của mẹ đâu có công ty nhà máy nên ăn cỗ kiểu này không phải niềm vui của bà, còn tôi qua những câu chuyện đã cảm nhận rất rõ nhịp sống thị thành đang ùa về quê hương rất nhanh. Không chỉ là chuyện cưới xin, giỗ chạp mà nếp sống, sinh hoạt của người dân cũng dần thay đổi. Có những buổi sáng tôi lang thang ra ngoài đường lúc 6h, chị trong xóm hỏi:
Ở thành phố về mà cũng dậy sớm vậy?!
Tôi đáp lại:
6h sáng rồi, sớm gì nữa chị.
Ôi trời, quê mình giờ chỉ ngày nào đi công ty thôi, chứ chủ nhật dậy muộn lắm, có nhà 9-10h sáng mới dậy. Chị đáp lại.
Nghe chị nói xong, tôi lại chột dạ hóa ra mình cập nhật tình hình ở quê còn rồi. Nếp sống đã thay đổi.
Có lần lướt mạng tôi thấy một số gia đình trong xóm cập nhật ảnh ăn tối tại nhà hàng, quán ăn. Tôi hỏi anh trai:
Ồ, mọi người giờ lại ra ngoài ăn tối thay vì ở nhà anh nhỉ?
Có nhà mình duy trì ăn nhậu, tiệc tùng ở nhà thôi em. Giờ bà con đi ăn quán nhiều lắm.
Tới đây tôi đã thấy sự chuyển mình của công nghiệp hóa đang tràn về quê hương nhanh tới nhường nào. Có lẽ tôi không cảm nhận được vì toàn sống xa nhà. Mỗi lần về quê chỉ mong được ăn cơm sum họp cùng gia đình, được nghe âm thanh í éo từ các anh chị quây quần nấu ăn mà quên mất rằng người dân quê tôi đang mang những buổi sum họp gia đình tại những nhà hàng, quán ăn! Nhịp sống công nghiệp hóa đang dần hình thành vòng tròn cộng sinh trên mảnh đất quê tôi.
Comment (1)
John Miller October 26, 2018 at 7:49 am
Promote your business achievements with amazing Instagram feed to impress your clients.