Phỏng Vấn Nhà Văn, Nhà Báo, Nhà Thơ Trần Thế Tuyển Về Tự Truyện, Hồi Ký

Hiện tại nhu cầu viết sách, viết tự truyện, viết hồi ký ngày một nhiều, tuy nhiên vẫn có nhiều luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Viết Nhân Văn chúng tôi có cuộc trò chuyện với Nhà báo, nhà văn, nhà thơ Trần Thế Tuyển – tác giả của nhiều cuốn sách về ký, bút ký, tập thơ trong thế kỷ 20 và 21 được công chúng đón nhận để lắng nghe quan điểm của ông về thực tế này.

Viết Nhân Văn (VNV):

Thưa ông, xin ông cho biết góc nhìn của ông về tự truyện

Nhà văn Trần Thế Tuyển (NV TTT):

Tự truyện trước hết là tác phẩm văn chương mà tác giả tự kể về câu chuyện mà mình là người trong cuộc.

VNV: Vậy theo ông thì thế nào là một tự truyện thành công? 

NV TTT: Tự truyện được coi là thành công khi tác phẩm ấy đạt cả nội dung và hình thức. Nội dung phong phú, đưa ra được thông điệp. Hình thức sáng tạo với cách thể hiện và ngôn ngữ mới lạ.

VNV: Xin ông cho một so sánh về tự truyện, hồi ký và tiểu thuyết

NV TTT: Tự truyện khác hồi ký và tiểu thuyết ở tính chân thật và phương pháp thể hiện. Hồi ký là nhớ lại và ghi chép. Tiểu thuyết là sáng tác, hư cấu theo thể chương hồi để đưa ra thông điệp. Còn tự truyện là kể lại chuyện đã qua mà trong đó tính chân thật, sự thật mang tính nguyên tắc.

VNV: Nhu cầu viết tự truyện hiện nay khá nhiều, dịch vụ viết tự truyện cũng ở rộ, ông nhận xét sao về vấn đề này?

NV TTT: Cơ sở hạ tầng quyết định thượng tầng kiến trúc. Và đến lượt nó, thượng tầng kiến trúc chi phối cơ sở hạ tầng kiến trúc. Khi kinh tế xã hội phát triển nhu cầu tự biểu hiện ngày càng cao. Sự chia sẻ, truyền dẫn thực sự là nhu cầu tất yếu của đời sống xã hội. Vì thế việc viết tự truyện, hồi ký, hồi ức là điều thiết thực. Cung và cầu, cầu và cung là một trong yếu tố quan trọng của cơ chế thị trường. Việc viết tự truyện, hồi ức, hồi ký là điều tất yếu. Vấn đề còn lại là động cơ và phương pháp viết thể loại này – thể ký đậm màu sắc văn chương, giàu tính sáng tạo mà luôn coi trọng tính chân thực là tiên quyết.

VNV: Ông có lời khuyên gì dành cho những bạn trẻ đang theo đuổi công việc này cũng như những cá nhân đang muốn viết tự truyện mà còn e ngại?

NV TTT: Một trong những yếu tố quan trọng của viết tự truyện như đã đề cập là tính chân thật. Tự truyện không cho phép sáng tác theo cách hiểu là hư cấu điều không có thật. Nhưng nó không phải là chuyện kể về một cách tự nhiên điều đã xảy ra. Mà nó thông qua câu chuyện có thật để đưa ra thông điệp có ý nghĩa nhân văn, giàu tính định hướng. Người tự viết hoặc người ghi, chấp bút đều phải tuân thủ điều có tính nguyên tắc này. Không vì mục đích “hấp dẫn” mà sáng tác một cách vô nguyên tắc, sẽ dẫn đến hệ lụy khi tác phẩm lan tỏa.

VNV: Vậy, ông có tâm đắc một cuốn tự truyện nào chưa ạ?

NV TTT: Tôi có đọc một số cuốn tự truyện, hồi ức, hồi ký của các tướng lĩnh và người nổi tiếng. Mỗi cuốn có cách tiếp cận và đưa ra thông điệp riêng. Có cuốn lướt qua rồi quên nhưng có cuốn đọc đi đọc lại và suy ngẫm. Tập hồi ức (tự truyện) Dấu ấn cuộc đời của Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Chính ủy Quân khu 9 là một cuốn như thế. Ông Trung tướng này trưởng thành từ lính trận, lại xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông có may mắn là nhân chứng nhiều giai đoạn, khoảnh khắc lịch sử của đất nước. Đó là điều thích thú thứ nhất khi tôi đọc cuốn hồi ức này. Thứ hai, tác giả cuốn hồi ức là người tự viết. Ông không phải là nhà văn nhưng có cách kể chuyện rất có duyên, rất Nam Bộ. Điều quan trọng nữa là tính trung thực. Tác giả tự truyện đã huy động hết tư liệu, vốn sống để hoàn thành tác phẩm. Nhưng đảm bảo tính trung thực như một nguyên tắc. Có lẽ vì thế cuốn tự truyện thu hút sự quan tâm của người đọc, không chỉ người trong cuộc mà còn cả bạn đọc trẻ.

VNV: Trân trọng cảm ơn ông dành thời gian cho cuộc trò truyện này. Chúc ông tiếp tục “đẻ trứng vàng” trong những tác phẩm văn học.
 
Trích dẫn thông tin về nhà báo, nhà văn, nhà thơ Trần Thế Tuyển

Tác phẩm xuất bản:
THƠ:
⁃ Dấu chân của Mẹ (NXB QĐND – 1991)
⁃ Ngực đá (NXB VĂN NGHỆ TP HCM – 1997)
⁃ Câu hỏi đời người (NXB VĂN NGHỆ TP HCM- 2002)
⁃ Dấu ấn (NXB VĂN NGHỆ TP HCM- 2009)
⁃ Phía sau mặt trời (trường ca – NXB QĐND – 2014)
⁃ Gió thổi miền ký ức (Trường ca – NXB QĐND- 2020)
⁃ Mẹ (Trường ca – NXB QĐND- 2022)
 
VĂN:
⁃ Kỷ niệm về anh ấy (NXB VĂN NGHỆ TP HCM – 1985)
⁃ Hai mươi năm sau (NXB VĂN NGHỆ TP HCM – 1994)
⁃ Quê hương và Đồng đội (NXB VĂN NGHỆ TP HCM – 2004)
⁃ Tiếng vọng (NXB HỘI NHÀ VĂN – 2011)
⁃ Ký ức xanh (NXB HỘI NHÀ VĂN – 2011)
⁃ Dòng sông cuộn chảy (tập truyện ngắn – NXB Tổng hợp TP HCM – 2020)
THƠ PHỔ NHẠC:
⁃ Tuổi thơ tôi (NXB VĂN NGHỆ TP HCM – 2007)
⁃ Tiếng chim trong vườn (NXB THANH NIÊN- 2017)
Giải thưởng:
⁃ Giải thơ HỘI VĂN NGHỆ TP HCM (1980- 1986)
⁃ Giải truyện ngắn báo PHỤ NỮ TP HCM (1985)
⁃ Giải truyện ký TCCT (1986)
⁃ Giải truyện ký ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM (1987)
⁃ Giải Báo chí TP HCM: 3 năm (1985-1991-1995)
⁃ Giải truyện ký báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG (1998)
⁃ Giải Báo chí quốc gia (2010)
⁃ Giải truyện ký báo Quân khu 7 (2013)
⁃ Giải truyện ký TCCT (2015)
– Giải bút ký báo QĐND (2019)

Quan niệm văn học:
“…Viết là tự giải thoát! Cái tự nó và cái phải đến; như trái chín phải đủ ngày, đủ tháng. Đó là văn hóa ứng xử trên cánh đồng chữ nghĩa …”
 
Viết Nhân Văn thực hiện./.

    Leave Your Comment

    Your email address will not be published.*